logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Nơi tổ chức đám cưới lạ đời nhất Việt Nam


Hai ngày mồng 2 và 16 âm lịch hàng tháng cả Thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc,tỉnh Vĩnh Phúc quay cuồng trong chuyện đám cưới, người người lo đi ăn cỗ cưới. Điều rất lạ lùng cô gái nào lấy chồng trong thị trấn, hoặc về làm dâu ở đây đều không được mặc váy cưới trong ngày trọng đại nhất đời mình. Cũng chỉ vì những quy ước của UBND thị trấn mà đã gây ra bao chuyện dở khóc dở cười suốt hơn 10 năm nay.

Một ngày có ...32 đám cưới

Mọi ngày thị trấn Yên Lạc với hơn 14.000 nhân khẩu luôn ồn ào bởi âm thanh của đục, đẽo, cưa gỗ, cùng những tiếng mặc cả mua bán của làng nghề mộc. Nhưng thật lạ lùng, cứ đến ngày 2 và 16 (âm lịch) hàng tháng, không ai bảo ai, các xưởng mộc đóng cửa im ỉm; chợ búa đìu hiu.

Người dân thị trấn dành tất cả thời gian để đi...dự đám cưới, chìm trong không khí chúc tụng, cỗ bàn. " Chúng tôi gọi đó là những ngày hội của Thị trấn- ngày hội đám cưới độc nhất vô nhị mà chẳng nơi đâu trên đất nước này có được "- ông Duyên, một vị cao niên hóm hỉnh, khôi hài thổ lộ với chúng tôi. Chính quyền thị trấn không cho phép bất kỳ một trường hợp tổ chức đám cưới ngoại lệ nào ngoài 2 ngày đã quy định. Chỉ vào mùa cưới( tức tháng 10 và 11 âm lịch) các " quan" địa phương rộng lượng hơn khi ban cho thêm hai ngày nữa: 10 và 22.



Bà Hiều vẫn còn bức xúc khi nhớ lại ngày bị phạt cắt điện

Khung cảnh nhà nhà tổ chức đám cưới, người người đi...dự lễ thành hôn rất náo nhiệt đó chỉ có ở thị trấn Yên Lạc mà thôi. Đã có năm Thị trấn này lập một kỷ lục khi diễn ra 32 đám cưới trong cùng một ngày. Còn trung bình vào ngày 2 hoặc 16 hàng tháng cũng có khoảng 10 đôi nam nữ bước lên xe hoa.

Tâm sự với chúng tôi, mấy em nhỏ đang đi học về cười khúc khích nói " Ôi! buồn cười và hay lắm các chú à, có hôm chúng cháu được xem mấy đám cưới đụng đầu nhau chan chát ngoài đường khi cùng đi rước dâu . Con đường trung tâm thị trấn rộng rãi đến thế, ấy vậy mà vào giờ đẹp của hai ngày đám cưới đã trở nên tắc nghẽn bởi đoàn người lườm lượp qua lại. Đôi khi xe đạp, xe máy, ôtô xếp dài hàng km, như cảnh tượng chen chúc nhau dưới Hà Nội vậy.

Bi hài nhất trong hai ngày đám cưới hàng tháng nơi đây là câu chuyện ăn cỗ theo kiểu chạy sô. Anh Nguyễn Văn Biên, thôn Vĩnh Đoài, cho biết: " Có ngày tôi phải chạy sô vừa ăn, vừa mừng phong bì ở 8 đám cưới. Chén rượu mừng chưa ngấm xuống dạ dày, đã phải tất tả chạy sang dự đám khác. Nhiều ông khách mặt đỏ tía tai vì đã ngấm men rượu, cũng cố ngật ngưỡng sang đám khác dúi vội cái phong bì cho đôi tân lang, tân nương, rồi loạng quạng lên xe máy đi tiếp ".



Bản quy ước lạ đời

Nhiều anh thợ mộc nghèo ở đây còn thổ lộ nỗi lòng, chúng tôi nai lưng ra làm nghề hít bụi gỗ suốt tháng cũng chỉ được khoảng trên 1 triệu đồng, thế mà có ngày đi đám cưới cũng đã mất đứt 300.000 400.000đ... kể xót quá. Nhưng khốn khổ ở chỗ, nhiều lắm khách cũng chỉ ăn được ở một đám, còn sang những đám khác cứ dúi phong bì mừng để cho đủ thủ tục trả nợ chứ còn ăn uống được gì nữa.

Những nhà kinh doanh nghề cho thuê phông bạt, bát đĩa...phục vụ các đám cưới ở Thị trấn chơi dài cả tháng, nhưng hai ngày trên thì vắt chân lên cổ cũng chẳng phục vụ kịp, đúng như các cụ nói " lo dồn đói góp ". Do cháy hàng bát đĩa, phông bạt, nên có khi người dân cãi vã, to tiếng chỉ vì tranh thuê bát đĩa với nhau.

Lý giải điều trên, mấy vị cốt cát trong hàng ngũ UBND Thị trấn phân bua cho rằng: người dân nơi đây làm nghề mộc, nếu cho cưới tất cả các ngày, nhà nọ có đám thì nhà kia phải hoãn công việc để đi ăn cỗ liên miên. Do đó, cả thị trấn dành ra 2 ngày để lo chuyện hỉ của cả tháng cho gọn nhẹ.

Tổ chức nhiều đám cưới trong cùng một ngày cũng giúp cho người ở xa tốn ít thời gian, công sức hơn bởi về một lần nhưng vẫn có thể đến dự nhiều đám cưới của bạn bè. Nhưng thực tế, khi chúng tôi đi thăm dò ý kiến dự luận về biện luận trên của chính quyền Thị trấn, người dân nơi đây đều cho rằng cái hay thì ít mà cái dở phát sinh ngày càng nhiều.

Váy cưới...chỉ cho ngắm

Cửa hàng cho thuê áo cưới của chị Thu Hương tại đây hầu như chỉ có áo tân thời, còn mấy bộ váy cưới bao năm nay vẫn mốc beo năm yên trong tủ, chưa ai động đến. " Nếu cho thuê váy cưới thì mới kiếm thêm đồng ra đồng vào, chứ chỉ có áo dài thì chỉ lấy được công trang điểm thôi "- chị Hương buồn rầu nói với chúng tôi.



Cô dâu Yên Lạc chỉ được ngắm váy cưới

Một chiếc váy cưới có giá thuê ít nhất là 500.000đ, trong khi đó, giá thuê áo dài khoảng 250.000đ. Biết sao được khi cửa hàng của chị lại đặt ở thị trấn Yên Lạc lập dị này, nơi mà nếu cô dâu lấy người trong thị trấn hoặc con gái nơi khác về làm dâu nơi đây đều không được mặc váy trong lễ cưới.

Không chỉ có vậy, đám cưới không được có nhạc sống, không được chơi đàn, trống, không được nhắc đèn nhấp nháy... Nếu gia đình nào tổ chức đám cưới vi phạm sẽ bị mất toi 500.000đ (đây là số tiền cô dâu, chú rể phải đặt cọc khi đến UBND thị trấn đăng kí kết hôn).

Đám cưới nào không vi phạm " bộ luật " của thị trấn thì sẽ được trả lại tiền Trước đây điện còn quản lí theo phương thức HTX, thì nhiều nhà vi phạm quy ước đám cưới của địa phương đã phải chịu một hình phạt rất nực cười " Bị cắt điện trong 1 tuần ". Nhà bà Trần Thị Hiều ở thôn Đông là một ví dụ tiêu biểu.



Cô dâu chỉ được mặc áo tân thời trong ngày trọng đại nhất đời mình

Anh Biên, kể lại: " Vợ tôi ở xã bên, trước đám cưới cô rất háo hức đi ngắm váy cưới. Thế những khi tôi bảo thị trấn chỗ anh không cho mặc váy đâu, nếu làm vợ anh em phải chấp nhận điều kiện này đầu tiên. Nghe thấy thế, vợ mình cũng chỉ còn biết thốt lên: Úi trời, sao lại có chuyện kỳ lạ vậy" rồi nét mặt vô cùng rầu rĩ ". Nói đúng hơn, mặc váy chỗ nào thì mặc ở, nhưng khi cô dâu đã vào địa phận thị trấn phải lập tức cởi ra...

Nhiều cô dâu đã phải đau đầu nghĩ ra trăm phương nghìn kế để lách luật nhằm mặc cho bằng được mặc váy cưới trong ngày trọng đại nhất của đời mình. Mấy người dân ở đây kể lại ; hôm mồng 2 vừa rồi, có cô gái tên Hiền, người Hà Nội về lấy chồng về ở thị trấn vẫn vô tư mặc váy cưới rất lộng lẫn, khi xe ôtô đến địa phận phải thi hành luật mới bắt đầu lùng sục tìm nơi kín đáo, nhờ bạn gái quây lại để...thay váy, thực hiện ngay kế "v e sầu thoát xác " ngay trên...ôtô rất buồn cười như binh pháp Tôn Tử vậy.

Quy ước văn hoá xã hội thị trấn Yên Lạc có đến 5 chương gồm 38 điều. Trong đó điều 7 quy định về việc cưới có những chi tiết rất đáng chú ý, cụ thể: Tháng giêng cưới vào ngày 16. Tháng 10 và tháng 11 vào các ngày 02,10,16,22. Các tháng còn lại vào ngày 02và 16. Không sử dụng nhạc sống, không làm sân khấu, không thắp đèn mầu, không làm cổng trào, không dùng lẵng hoa. Cô dâu mặc áo dài tân thời hoặc thường phục... .

Có cô dâu về nhà mới mặc váy nhưng chỉ dám " hoạt động ngầm " ở trong vùng không có sự phủ sóng theo dõi của chính quyền Thị trấn. Cá biệt, có những cô dâu " đầu gấu ", chấp nhận bị mất 500.000đ, chấp nhận bị bêu tên trên loa phóng thanh để được một lần mặt bộ váy cưới trắng muốt trinh tiết lên xe hoa về nhà chồng.

Theo anh Dũng, một chủ cửa hàng cho thuê váy cưới trong thì chưa chắc thuê áo dài tân thời đã rẻ hơn mấy so với váy cưới. Có chiếc áo dài đẹp phải thuê giá đến hàng triệu đồng, trong khi đó, giá thuê một cái váy cưới trung bình chỉ khoảng 500.000-800.000đ.

Đại đa số người dân ở đây đều có chung nhận định: ngày trước, dịch vụ cho thuê váy cưới ít, giá thành cao, lên đến 2-3 triệu đồng/chiêc, trong khi đó đời sống nhân dân còn nghèo thì việc không cho mặc váy cưới cũng có thể chấp nhận được. Thế nhưng, hiện nay mức sống đã được cải thiện rõ rệt, dịch vụ thuê áo, váy cưới lại phát triển như nấm sau mưa, giá rẻ bất ngờ, thì quy ước của Thị trấn đã trở lên vô cùng lỗi thời.



Chị Hà buồn rầu nhớ lại ngày cưới không được mặc váy

Chị Thu Hà, một người mới lập gia đình cho rằng: " Quan trọng là việc xây dựng ứng xử với nhau giữa mọi người, chứ việc không cho mặc váy cưới là hơi hà khắc. Xây dựng đời sống văn hoá phải theo hướng đi lên hợp thời đại mà vẫn giữ được thuần phong mỹ tục mới là cốt lõi vấn đề ".

Rời Thị trấn Yên Lạc, mấy cô gái trẻ mười tám đôi mươi vui tinh nói với theo: " Các anh ơi, các anh viết bài làm sao để cho chúng em được...mặc váy cưới trong ngày song hỉ sau này nhé ". Nghe thấy thế, chợt trong lòng tôi bỗng thấy tủi thân thay cho những cô dâu tương lai của Thị trấn này, cái điều hiển nhiên ở những nơi khác lại trở thành quá xa vời, ước mong giản dị nhưng chưa thể thành hiện thực của các cô gái nơi đây.

Đi đón dâu qua những cửa hàng cho thuê váy cưới lộng lẫy trên con phố ở thị trấn, một câu bi hài lại xuất hiện trong đầu nhiều người" Ngắm váy cưới thôi nhé các cô dâu Yên Lạc ơ i !"

Sưu tầm - Post by Mika Nguyễn

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

19,972,913

Truy cập hôm nay:

131

Đang trực tuyến:

14