logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Cẩm nang làm việc cùng nhà cung cấp - Phần 3


Phần 3: Quyết định và ký hợp đồng dịch vụ cưới. Sau khi dạo một vòng tìm hiểu các dịch vụ cưới, đã đến lúc bạn quyết định và đi đến việc ký kết hợp đồng. Đây là thời khắc bạn cần chú ý và đọc thật kỹ những thông tin trong hợp đồng trước khi đặt bút ký.

Bước 5: Quyết định và trao đổi nội dung hợp đồng

Bạn nên chuẩn bị trước khi cưới từ khoảng 6 – 12 tháng để có thời gian quyết định và đặt sớm với nhiều lựa chọn (như chọn sảnh, đặt bàn tiệc ngày cưới đúng ý, chọn đúng chuyên viên trang điểm hợp gu,…). Hạn chế đặt gấp hoặc cận ngày vì chi phí sẽ tăng lên nhiều cũng như khó đảm bảo vị trí và chất lượng tốt.

Khi soạn thảo hợp đồng với nhà cung cấp (NCC), hãy mang hợp đồng về và đọc thật kỹ trước khi ký. Trong trường hợp cần thiết, hãy điều chỉnh nội dung sao cho cân bằng lợi ích đôi bên (vì hợp đồng mẫu bao giờ cũng có lợi cho NCC hơn), đặc biệt lưu ý những thông tin sau đây:

Trước khi ký, hai bạn nên chú ý các chi tiết trong hợp đồng cưới và luôn tự hỏi: “Có điểm nào chúng ta chưa rõ ràng không?”

– Thông tin của bên A và bên B: Bạn và NCC cần ghi rõ thông tin của cả hai và có tên người chịu trách nhiệm chính, thông tin liên hệ, số tài khoản ngân hàng để chuyển tiền,…

– Quyền lợi, trách nhiệm hai bên: Hai vợ chồng có thể thử đọc riêng, rồi cùng nêu ý kiến để tránh trường hợp một ý trong hợp đồng có nhiều cách hiểu.

– Chi phí và phương thức thanh toán: Hãy ghi rõ tất cả các phí sẽ trả khi sử dụng dịch vụ cũng như quá trình trả phí (chẳng hạn: trả trước đặt cọc 10 triệu đồng sau khi ký hợp đồng, trả tiếp 50% giá trị hợp đồng sau khi chọn xong menu, trả các khoản còn lại sau tiệc). Những chi phí chưa rõ giá trị nhưng có thể phát sinh phải được liệt kê rõ trong hợp đồng (chẳng hạn: phí trượt giá từ 5-10%, giá chưa bao gồm chi phí đi lại và thuê địa điểm chụp ảnh,…). Nếu có tính trượt giá hoặc thuế, phí phục vụ,… hợp đồng cần ghi rõ phần trăm tối đa phải trả cho việc điều chỉnh giá. Bạn cần lưu ý: không bao giờ đưa trước 100% chi phí cho NCC khi dịch vụ chưa cung ứng, đặt cọc dịch vụ tối đa khoảng 70% đã là quá nhiều.

Ngoài ra, bạn nên quan tâm đến vấn đề bồi thường, bồi hoàn khi cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Hạn chế ghi chung chung (dạng như thỏa thuận và trao đổi sau) đối với vấn đề tiền bạc. Nếu cần thiết, hãy ghi rõ mức phí tối thiểu (tính theo % hoặc ghi rõ giá trị) bên này hoàn trả hoặc thanh toán cho bên kia nếu thực hiện không đúng hợp đồng.

Trao đổi với nhà cung cấp thật kỹ về vấn đề hợp đồng dịch vụ cưới

– Những phụ lục kèm theo hợp đồng: Những phụ lục này cũng cần đảm bảo có chữ ký của NCC, chẳng hạn: nội dung thực đơn, những dịch vụ tặng kèm, mô tả trang trí sảnh tiệc, quy cách quyển album, nội dung in trên thiệp cưới, yêu cầu riêng của cô dâu chú rể,…

– Điều chỉnh hợp đồng: Việc điều chỉnh hợp đồng cưới nên thống nhất về cách thức thực hiện ngay trong hợp đồng để tránh tranh cãi, đồng thời đảm bảo mọi thay đổi phải được lưu bằng văn bản.

Bạn cũng cần lưu ý một điều cơ bản – hợp đồng là thỏa thuận của hai bên, khi bên này đòi hỏi một điều khoản thì bên kia cũng có thể đưa ra yêu cầu tương ứng. Do đó, bạn nên cẩn trọng và cân nhắc kỹ khi muốn thay đổi nội dung hợp đồng.

Bước 6: Đặt bút ký hợp đồng cưới

Đọc lại hợp đồng cưới lần cuối trước khi ký là hoàn toàn cần thiết

Khi bạn thấy mọi điều khoản trong hợp đồng hợp lý, lợi ích của bạn được đáp ứng thì việc ký kết sẽ rất nhanh chóng. Bạn chỉ cần đọc lại hợp đồng để đảm bảo nội dung đã được thống nhất bởi cả hai bên. Sau đó, ký tên và mỗi bên giữ một bản. So sánh hai bản trước và sau khi ký nếu cần thiết.

– Nếu hợp đồng gồm nhiều tờ giấy, hãy nhờ NCC đóng dấu giáp lai để đảm bảo nội dung các tờ không bị đánh tráo.

– Tránh bất kỳ dấu bôi xóa hay ký hiệu lạ trong hợp đồng. Nếu có sửa bất kỳ thông tin gì, hãy điều chỉnh trên máy rồi in lại, sau đó mới ký.

Nhớ kiểm tra đầy đủ chữ ký sau khi ký hợp đồng

Tổng kết

Thực tế việc ký hợp đồng cưới cũng không quá cầu kỳ, vì ít cô dâu chú rể nào đủ kiên nhẫn và hai bên cũng không dành nhiều thời gian cho việc thống nhất nội dung hợp đồng. Thay cho hợp đồng, một số NCC sử dụng biên lai hoặc giấy cam kết. Chỉ cần đảm bảo có chữ ký của NCC và thông tin hai bên đã thống nhất (qua văn bản hoặc email) thì những giấy tờ này vẫn có giá trị tương ứng.

Những vấn đề cần làm rõ trong hợp đồng suy cho cùng chính là thống nhất cụ thể quyền lợi và trách nhiệm đôi bên, hạn chế tối đa các phát sinh mà một trong hai bên không lường trước. Vì vậy, bạn hãy lưu tâm đến bản hợp đồng để những dịch vụ cưới bạn sử dụng thật sự hiệu quả và đúng như ý muốn.

Xem tiếp phần cuối:  https://www.dichvudamcuoi.com.vn/vn/newsdetail/cam-nang-lam-viec-cung-nha-cung-cap-phan-4.html 

Nguồn: sưu tầm

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

19,887,824

Truy cập hôm nay:

407

Đang trực tuyến:

18