logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Cẩm nang làm việc cùng nhà cung cấp - Phần 1


Kỳ 1: Làm gì trước khi tiếp cận nhà cung cấp?Chuẩn bị cho ngày cưới với rất nhiều nỗi lo toan, trong đó việc tìm cho bằng được một nhà cung cấp dịch vụ vừa ý luôn là niềm mong mỏi của các cặp đôi, bởi đơn giản suy cho cùng ai cũng muốn một lễ cưới hoàn hảo như vẫn thường mơ. Nỗi băn khoăn ấy hướng bạn tìm đủ mọi cách để có thể chọn được những dịch vụ cưới tốt nhất, phù hợp nhất. Và đó là lúc, bạn bắt đầu hoang mang giữa một rừng nhà cung cấp dịch vụ mà bạn chưa hề sử dụng qua. Đâu sẽ là người tiếp sức thực sự cho hạnh phúc của hai bạn? Và hai bạn sẽ bắt đầu từ đâu?

Bước 1: Cùng tưởng tượng ngày cưới của hai bạn

Tưởng tượng một đám cưới mà bạn muốn thực hiện, khoan hãy quan tâm đến vấn đề ngân sách.

Việc đầu tiên hai bạn nên cùng làm là tưởng tượng bạn sẽ làm gì cho lễ cưới của mình.  

Thật khó hình dung vì chẳng ai có kinh nghiệm trong chuyện này cả. Vì vậy, hai bạn cứ thảo luận trước những gì mình biết và nghĩ đến, những gì bạn mơ cho ngày cưới của mình từ khâu chuẩn bị đến lúc lễ cưới diễn ra, có thể bao gồm cả tuần trăng mật (không cần tham khảo thêm thông tin gì trước cả). Sau đó, hãy tìm những người lớn, bạn bè đã có kinh nghiệm cũng như tham khảo thêm một số bài viết về cưới. Lúc này, hai bạn cũng có thể hỏi luôn những dịch vụ cưới được người quen đã sử dụng đánh giá ổn, đồng thời tham khảo sơ vài địa chỉ dịch vụ cưới trên mạng truyền tai nhau. Cuối cùng, hai bạn sẽ cùng nhau tổng hợp những gì đã tưởng tượng, cùng với kinh nghiệm cưới đã ghi nhận để vạch ra kịch bản cưới của đời mình. Có một vài lưu ý bạn cần nhớ khi tưởng tượng và cùng thảo luận: 

– Hãy nói hết ra những suy nghĩ và lo lắng của nhau về ngày cưới cùng bạn đời. Đừng để mọi chuyện gần xong mới thổ lộ. Hai bạn cần hiểu nhau để có thể giúp nhau chuẩn bị ngày cưới như ý muốn.

– Kinh nghiệm cưới thường mang tính chủ quan và phụ thuộc vào từng thời điểm. Đó là lý do bạn chỉ nên tiếp nhận thông tin trước. Việc kiểm chứng sẽ thực hiện bằng cách tin dần những ý kiến được đa số ghi nhận, hoặc sẽ kiểm chứng thực tế bằng cách tham khảo những lễ cưới khác của người quen, ghé thử một số nhà cung cấp dịch vụ. Có những dịch vụ thực sự tốt nhưng bị phản ánh xấu vì thái độ khách hàng không tốt hay điều kiện khách quan cũng như đánh giá đã cũ khi nhà cung cấp đã cải thiện dịch vụ. Ngược lại, một số dịch vụ chưa ổn được đánh giá cao thường là vì những thủ thuật tiểu xảo của chính họ, tạo tài khoản ảo để tự tâng bốc. Hoặc trước đây, họ cung cấp dịch vụ tốt nhưng sau một thời gian, do thay người, do khách đông hay một lý do tác động ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Tham khảo các dịch vụ cưới trên internet để có thêm ý tưởng và thông tin cần thiết.

– Nên trao đổi lần cuối với người lớn trong nhà trước khi ra quyết định cuối cùng. Kinh nghiệm cho thấy người lớn tác động rất nhiều vào ngày cưới của các cô dâu chú rể, nhất là về nghi lễ truyền thống, chọn ngày lành tháng tốt hay những tục lệ truyền thống về cưới của dòng họ. Việc thảo luận lần cuối với người lớn cũng nhằm thắt chặt mối liên kết mẹ chồng – nàng dâu sau này và gắn kết thông gia hai họ ngay từ trước khi cưới.

Bước 2: Đưa ngân sách cưới vào kịch bản.

Ngân sách cưới của bạn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc thể hiện ý tưởng cưới. Bạn không nhất thiết phải chỉnh kịch bản ngay từ bây giờ, nhưng nên phân bổ chi phí dự kiến cho từng khoản bạn chi.
Trong quá trình tìm chọn nhà cung cấp hợp ý sau này, bạn có thể giới hạn, thay đổi hoặc lược bỏ một số ý tưởng để cân đối ngân sách.

Để có thể biết được mức giá tương đối cho từng loại dịch vụ, bạn có thể chọn lựa vài nhà cung cấp bất kỳ và tham khảo giá của họ. Ngoài ra, bạn cũng có thể nhờ bạn bè đã cưới chia sẻ phí của từng khoản dịch vụ cưới mà họ đã sử dụng. Một vài lưu ý nhỏ:

– Bạn nên kết hợp đồng thời việc soạn kịch bản cưới và phân bổ ngân sách cưới. Áp dụng linh động hai việc cùng lúc sẽ tiết kiệm được thời gian. Thế nhưng, đừng để ngân sách cưới làm bạn chùn bước. Hãy tưởng tượng trước, tìm hiểu thêm thông tin rồi mới quay về thực tại, cưới đúng với sức của mình. Chỉ sau khi hiểu mình cần gì và muốn gì cho đám cưới, hai bạn mới chi tiền đúng mục đích.

Sau khi hiểu căn bản những gì hai bạn cần cho lễ cưới, hãy đưa ngân sách cưới vào kịch bản và điều chỉnh lại.

- Đừng để tiền làm buồn nhau. Khi bàn về chuyện tiền bạc, hai bạn cũng như hai nhà có thể sẽ dễ nảy sinh to tiếng hoặc khó xử vì bên ít bên nhiều. Mọi người nên thông cảm cho nhau, cùng nhau chia sẻ và chúc phúc cho tình yêu đôi lứa.

- Dự trù một khoản để đề phòng. Dù tính kỹ đến đâu, sẽ có những khoản bạn không ngờ sẽ xuất hiện vào phút chót. Hai bạn nên dành một khoản tiền để đề phòng chi phí thay đổi bất ngờ hoặc nảy sinh những chi phí mới cần thiết khác.

Nên để dành một khoản dự phòng để dùng cho những khoản phí phát sinh sau này.

– Định kỳ xem xét lại ngân sách cưới: Hàng tuần, hàng tháng hoặc sau khi có phát sinh thay đổi chi phí cho dịch vụ cưới, hai bạn nên ghi chú và điều chỉnh ngân sách cưới để không phải hốt hoảng vì chi khoản dự phòng quá tay.

– Thêm hoặc bớt một dịch vụ cũng cần cân nhắc. Thay đổi kịch bản cưới thì đơn giản nhưng bạn sẽ dễ dàng bị ngân sách cưới làm lung lay, thay đổi vài khoản mục khác và khiến ý muốn của hai bạn không thành. Cũng có khi, dịch vụ bạn thay đổi là mong mỏi của bố mẹ hai bên nữa nên việc thay đổi, thêm hoặc bớt đều cần phải được bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng.

Xem tiếp phần 2 tại: https://www.dichvudamcuoi.com.vn/vn/newsdetail/cam-nang-lam-viec-cung-nha-cung-cap-phan-2.html 

Nguồn: sưu tầm

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

19,796,061

Truy cập hôm nay:

624

Đang trực tuyến:

163