logo-zalo.png

, Ngôn ngữ:

Việt Nam | English

Cách viết thiệp cưới hoàn hảo nhất trong mọi trường hợp


Bạn thường xuên bắt gặp những dòng chữ quen thuộc: “Trân trọng báo tin lễ Thành hôn của con chúng tôi”, “Sự hiện diện của … là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”… trong các mẫu thiệp cưới đẹp nhưng đầy nhàm chán? Bạn đang trông chờ điều gì đó khác biệt hơn? Đối với một số chi tiết thuộc về truyền thống bất di bất dịch, bạn không thể thay đổi thì còn lại bạn có thể phá cách để có tấm thiệp cưới đúng nghĩa là của riêng bạn.

Viết thiệp cưới với văn phong truyền thống

Lời khuyên các cặp đôi thường nhận được là: “Đám cưới của riêng bạn nên cứ làm tất cả những gì bạn muốn”, nghĩa là bạn sẽ tự mình quyết định mọi thứ sao cho thoải mái và “là chính mình” nhất.

Tuy nhiên, có 2 chi tiết bạn nên nhớ khi bắt tay vào soạn nội dung thiệp cưới:

  1. Thiệp cưới là ấn tượng đầu tiên và tồn tại trong thời gian lâu nhất (từ lúc gửi thiệp mời đến ngày cưới có khi kéo dài cả tháng). Ngoài tác dụng thông báo về ngày cưới sắp tới, bạn phải luôn cân bằng tính nghiêm túc và trang trọng trong văn phong. Đặc biệt, nếu ngày cưới của bạn được tổ chức theo phong cách truyền thống và chuẩn mực, tốt nhất nên đi theo những chuẩn mực truyền thống trong cách ghi thiệp cưới.
  2. Thiệp cưới là nơi bày tỏ niềm tôn kính đối với đấng sinh thành nên dù cấu trúc có thay đổi ra sao, thiết kế bay bổng thế nào thì họ tên (và đôi khi tên thánh) của các đấng sinh thành (hoặc người chủ hôn) vẫn phải được đề cập ở vị trí trân trọng trên thiệp cưới.

Bạn có thể chọn mẫu ghi thiệp cưới như sau:

Tờ thứ nhất – Thiệp mời

Trân trọng kính mời: …

Vui lòng đến dự buổi tiệc rượu chung vui cùng gia đình chúng tôi tại: …

(nhằm ngày … âm lịch)

Sự hiện diện của … là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi

Đón khách: …

Khai tiệc: …

Kính mời.

Tờ thứ hai – Thiệp báo hỉ

Ông bà: … (tên thánh nếu có)

Ông bà: … (tên thánh nếu có)

Trân trọng báo tin Lễ Thành Hôn của con chúng tôi.

Sự gì Thiên Chúa đã tác hợp, loài người không được phép phân ly. (Nếu cặp đôi theo đạo Công Giáo)

Đây là khuôn mẫu thường thấy trong cách ghi thiệp cưới ở Việt Nam. Bạn hoàn toàn có thể tự do sáng tạo (trong mức cho phép) để mang một làn gió mới cho tấm thiệp cưới – ấn tượng đầu tiên về đám cưới của mình.

Một số gợi ý để có lời mời cưới độc đáo

Lời khuyên của Marry là nên dựa trên những câu chữ cơ bản và điều chỉnh theo ý thích để thoát khỏi sự tẻ nhạt thường thấy. Đây là một số cách viết thiệp cưới mới mẻ bạn có thể tham khảo:

  • Thay vì có 2 tấm thiệp khác nhau, mỗi tấm đóng một vai trò riêng (1 để báo tin về Lễ Thành Hôn, 2 nói về Tiệc mừng), tại sao bạn không gộp tất cả lại thành một thiệp duy nhất,  vừa giúp bạn tiết kiệm chi phí chuẩn bị đám cưới, vừa đỡ phức tạp cho người nhận, và lại vừa rất gọn nhẹ xinh xắn và đơn giản.
  • Thay vì ghi dòng chữ “Thiệp mời” bạn có thể thay thế bằng “Báo tin vui”, “Thiệp cưới”, “Thiệp hồng”…
  • “Vui lòng đến dự buổi tiệc rượu chung vui cùng gia đình chúng tôi”, có thể thay thế bằng “đến chung vui cùng đêm tiệc mừng hôn lễ của … (tên cô dâu chú rể) và gia đình”
  • “Sự hiện diện của… là niềm vinh hạnh cho gia đình chúng tôi”, hay là “Bạn đến và đó là lời chúc phúc ý nghĩa nhất dành cho chúng tôi”, hoặc “Bạn không thể biết được chúng tôi hạnh phúc đến thế nào khi có bạn trong ngày vui của mình”
  • Có thể nghĩ đến thêm một dòng “Trang phục đề nghị”, trong trường hợp bạn muốn mọi thứ đi theo một tone màu nhất định để phù hợp và làm thăng hoa thêm cho theme cưới
  • Và thay vì dòng thông báo địa điểm cưới buồn tẻ, nếu bạn muốn mọi người cùng cảm nhận được một không gian cưới hoàn toàn mới và ý nghĩa, bạn có thể thay bằng một câu đại loại như “Ngày…., chúng tôi…. (tên chú rể) và … (tên cô dâu) quyết định cùng nhau đi đến cuối cuộc đời, trong biển trời lộng gió, dưới sự chứng kiến của đất trời, sóng biển và sự chúc phúc của gia đình bạn bè. Cùng chúng tôi chia sẻ niềm vui tuyệt vời này tại…lúc…”

Bạn có thể thêm bản đồ chỉ dẫn để khách mời dễ dàng tìm được địa điểm tổ chức cưới

  • Đính kèm theo thiệp cưới có thể là một món quà nho nhỏ có liên quan đến ý tưởng cưới mà bạn đã chọn, hoặc có liên quan đến cá tính, kỷ niệm của cá nhân cặp đôi. Ví dụ: Bạn là một chuyên viên trang điểm, thiệp cưới của bạn có thể có thêm một dấu son môi bên ngoài, hoặc một vệt mascara ở đuôi tấm thiệp. Mọi người chắc chắn sẽ không thể quên những điểm nhấn thú vị này.
  • Trích dẫn câu nói hay của một người nổi tiếng, lời của một bài hát về tình yêu, về hôn nhân và về gia đình để mở đầu hoặc kết thúc cho tấm thiệp cưới của mình
  • Nếu làm lễ tại nhà thờ, thay vì địa chỉ nhà thờ khô khan bạn có thể điểm tô thêm bằng một câu chữ nói lên tính thiêng liêng của hôn lễ, ví dụ “Nhà của Chúa là nơi chúng tôi chọn để trao nhau những lời thề ước thiêng liêng nhất. Mời bạn đến cùng tôi, lắng nghe lời Chúa và chứng kiến giây phút trọng đại này vào… tại…”
  • Nếu bạn chọn ý tưởng cưới liên quan đến một câu chuyện cổ tích, sao không thử biến tấm thiệp cưới của mình thành một câu chuyện trọn vẹn, trong đó câu đầu tiên sẽ là “Ngày xửa ngày xưa…” và kết thúc bằng “Hạnh phúc bên nhau mãi mãi”
  • Lời lẽ trong thiệp cưới của bạn có thể có liên quan tới mùa hay dịp lễ mà ngày cưới của bạn vô tình (hay cố tình) trùng lắp. Ví dụ: Ngày cưới của bạn trùng với Lễ Halloween, hãy viết một câu mang màu sắc ma quái để mở đầu cho thiệp cưới của mình. Ví dụ “Đêm nay, niềm hạnh phúc của … (tên chú rể) và … (tên cô dâu) sẽ gom lấy ánh sáng của trăng sao, và xua đi cái lạnh của linh hồn”. Hay trong dịp Tết thì đó có thể là “Mùa xuân, khi chim về tổ, khi người tìm về mái ấm, cũng là khi … (tên chú rể) và … (tên cô dâu) đến cùng nhau, quyết định cùng nhau xây tổ ấm cho chính mình”
  • Kể một câu chuyện: Đây cũng là cách thường dùng nếu muốn thay đổi cách viết thiệp cưới. Bạn có thể dùng hình ảnh, chữ viết tay, chữ đánh máy, các biểu tượng khác nhau để kể về câu chuyện tình yêu của mình. Câu chuyện sẽ lần lượt lướt qua những kỷ niệm, ngày đầu quen nhau, yêu nhau, các sự kiện, ngày cầu hôn, ngày cưới chính là chi tiết cuối cùng trang trọng nhất.

Tóm tắt và lưu ý khi viết thiệp cho nhà trai, nhà gái

Thiệp nhà trai và nhà gái thường nên được in riêng, nếu người mời là bố mẹ thì phần người đứng tên mời ghi tên bố mẹ, nếu người mời là cô dâu chú rể thì phần người đứng tên mời là cô dâu chú rể.

Thiệp nhà trai: Tên bố mẹ chú rể đứng trước, vị trí tên cô dâu chú rể thì tên chú rể đứng trước. Ví dụ: Về nhà trai lúc 10h: “Hôn lễ tổ chức vào hồi 10h00 tại …”

Thiệp nhà gái: Tên bố mẹ cô dâu đứng trước, chỗ tên cô dâu chú rể thì tên cô dâu đứng trước. Giờ nhà trai đến đón dâu là 8h thì có thể ghi: “Hôn lễ tổ chức vào hồi 8h00 tại…”

Bên cạnh đó, việc phân nhóm khách mời cẩn thận cũng sẽ giúp tiết kiệm thời gian và giữ đúng lễ nghĩa khi ghi thiệp cưới. Thông thường khách mời của bạn sẽ đến từ rất nhiều mối quan hệ: Người thân (lớn tuổi), họ hàng, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp… Bạn có thể tham khảo mẫu viết thiệp cưới sau:

Với những khách mời chưa có gia đình: Thiệp cưới bên ngoài nên ghi tên, bên trong có ghi tên người được mời và kèm theo. (Ví dụ: Thân mời A và người thương), nên ghi rõ tên bên trong thiệp để tăng thêm tính thân thiết, tránh ghi chung chung theo kiểu “mời bạn và người thương”.

Với những khách mời đã có gia đình và lớn tuổi hơn: Bạn chỉ nên ghi tên người mời bên ngoài, bên trong sẽ ghi chi tiết mời anh chị A và hai cháu/ mời anh chị A. Tránh ghi “mời gia đình anh A” bên ngoài thiệp vì có thể một số người khó tính sẽ cho như thế là không lễ phép.

Với những khách mời là họ hàng, hàng xóm lớn tuổi: Nên để cha, mẹ mời vì ngang vai vế với cha mẹ. Nếu cha mẹ đã mất thì có thể nhờ anh chị lớn tuổi hơn mời hoặc nếu không có anh chị em mà mình phải đứng tên mời thì bên ngoài ghi “Kính mời bác A/cô B…” còn bên trong ghi rõ “Kính mời hai bác và gia đình/Kính mời hai bác và anh chị…”. Nên nhớ người lớn tuổi sẽ rất khó tính trong từng câu chữ, đừng để một vài sơ sót nhỏ của bạn làm mất lòng những vị khách mời này.

Ngoài ra, hầu hết mọi người đều khuyên rằng nên ghi tên cha mẹ dù còn sống hay đã mất, vì cha mẹ là đấng sinh thành ra mình. Hành động này như lời cảm ơn đến công dưỡng dục sinh thành để con được hạnh phúc như ngày hôm nay.

Đặc biệt, khi ghi tên cha mẹ đã mất thì người nhận được thiệp cưới sẽ hiểu được hoàn cảnh thực tế, tránh có những thắc mắc, nghi vấn tại sao lại để trống hoặc tên người đại diện lại là một người khác. Cách ghi tên cha mẹ đã mất vào thiệp cưới như sau: Ghi đầy đủ tên cha mẹ và phía dưới có thể đóng mở ngoặc “Đã mất”, “Cố phụ”, “Cố mẫu” hoặc “Song đường quá vãng”…

Một biện pháp ghi thiệp cưới khác cho trường hợp này là ghi tên người đỡ đầu, tức là người chủ hôn. Tục ngữ có câu “quyền huynh thế phụ”, nếu cha mất có thể ghi tên anh trai (nếu có) với đại diện là “huynh trưởng”. Người làm chủ hôn, thay thế cho bố mẹ có thể là anh chị ruột  hoặc cô, dì, chú bác trong gia đình. Nếu chọn cách ghi này, trong thiệp mời sẽ là: “Trân trọng báo tin lễ tân hôn (vu quy) của “em chúng tôi” hoặc “cháu chúng tôi””.

Khi chuẩn bị cưới bạn nhớ đầu tư vào cách ghi thiệp cưới – tấm thiệp hồng mang lời báo hỉ đến những vị khách quý. Chúc các cặp đôi có được thiệp cưới ưng ý, không chỉ đẹp mà còn thật đúng với lễ nghĩa và mang đầy đủ thông điệp của cả hai dành cho người thân yêu.

Nguồn: sưu tầm

Các tin cũ hơn



Hỗ trợ khách hàng

Tổng lượt truy cập:

19,792,552

Truy cập hôm nay:

431

Đang trực tuyến:

133